Xem cây gia phảXem gia phả
Họ Mai Văn Yên Hạnh, Nga Mỹ, Nga Sơn

Họ Mai Văn và Mai Đình ở hai làng Yên Hạnh, Nghi Vịnh và một tiểu chi ở Trung Điền có chung gốc. Theo gia phả của 4 chi này thì họ đều thờ chung thủy tổ là ông Văn Thần. Tuy nhiên theo tư liệu 3 gia phả (2 ở Yên Hạnh, 1 ở Trung Điền) có một số chỗ sai lệch nhau. Cụ thể:

 

- Gia phả họ Mai Văn làng Yên Hạnh ghi: trong gia phả và nhà thờ Đại tông có các đôi câu đối cho biết rằng, họ Mai ở đây có từ thời Tiền Lê. Nhà thờ Đại tông có từ năm Ất Dậu (985), có 2 đôi câu đối ghi:  

 

“Ức niên đại thụ văn lâm mậu
Vạn cổ âm ba đại hải đông”
“Tiền Lê Ất Dậu niên tư dân tư thổ
Hoàng Nguyễn Giáp Dần đại tân hương tân dân”

 

Tại quê hương bản quán ở Xá Ngân – Nghi Vịnh, ông Trực Hành (đời thứ 2) sinh 3 con trai: Đức Chánh, Đức Hạnh, Đức Quang. Ông Đức Quang ở lại Nghi Vịnh, còn 2 người lên An Hạnh trang thì một người làm con nuôi, một người làm con rể họ Đỗ, sinh con cháu cho đến ngày nay. Cả 3 ông này từ xa xưa nên khó tra cứu. Chỉ ghi cụ thể từ cụ Mai Huyền Trung. Phả đồ dưới đây tạm ghi:

 

- Phả đồ họ Mai Đình ở Yên Hạnh, đời thứ 2, con ông Văn Thần còn có ông Tảo Huyền, nhưng không rõ về con cháu. Ông Trực Hành (đời thứ 2) sinh 3 anh em trai: Đức Hạnh, Huyền Trung, Trực Thành.

 

- Gia phả họ Mai ở làng Trung Điền xã Nga Trường có ghi cụ thể các đời đầu như sau:

 

Họ Mai xã Nga Trường bắt đầu từ cụ Thủy tổ Văn Thần. Trên cụ Văn Thần có 2 vị có tên tự là Huệ Dốc và Đạo Nguyên không rõ nên lấy cụ Văn Thần làm Thủy tổ.

 

Ông Văn Thần sinh hai trai là Mai Trực Hành, Mai Tảo Huyền và 1 gái có tên hiệu là Từ Bi (phù hợp với tư liệu của họ Mai Đức).

 

Ông Trực Hành lấy bà có tên hiệu là Từ Yên, sinh được 3 trai là Mai Đức Quang tự là Huyền Trung, Mai Đức Chính, Mai Đức Hạnh.

 

Ông Đức Chính và ông Đức Hạnh di cư lên Nghi Vịnh cùng huyện Nga Sơn (ở đây lại xác định quê hương bản quán là làng Trung Điền).

 

Ông Huyền Trung thi đỗ Tam trường, ra dạy học ở Phương Trì, Yên Mô, Ninh Bình. Ở Phương Trì ông Huyền Trung lấy bà họ Vũ hiệu Từ Ân sinh 1 trai là Mai Phúc Mận tự Đạo An và 2 con gái là Ngọc Thanh, Hồng Hoa. Về sau phát triển thành họ Mai ở Phương Trì.

 

Ông Huyền Trung để lại người con trai ở Phương Trì, cùng 2 con gái trở về Yên Hạnh lấy bà có tên hiệu là Từ Ái, sinh được 2 trai có tên tự là Huyền Diễn và Phúc Tín.

 

Ông Huyền Trung và 2 con gái có công giúp vua Lê đánh nhà Mạc ở Trường An (nay là Tam Điệp – Ninh Bình), Ngọc Thanh và Hồng Hoa được vua phong công chúa (nữ giới có công xuất sắc trong chinh chiến cũng được vua phong công chúa).

 

Ông Phúc Tín sinh con trai có tên tự là Phúc Đức được vua Lê phong Dương Quận công.

 

Về sau ở Yên Hạnh chia làm 2 phái:

 

Phái ông Bá Đạt, hiệu Mai Bách lập ấp ở huyện Đông Cống, tổng Lai Triều, xã Thu Vi (nay là xã Thọ Hiếu, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa).

 

Phái ông Đạo Đạt, hiệu Từ Chân, đi lính mãn hạn về dạy học ở Bãi Sậy, phủ Thuận Thành, huyện Văn Giang, tổng Phụng Công, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Phụng Công ở tỉnh Hưng Yên).

 

Ở Nghi Vịnh về sau có con út của ông Trực Thành là Mai Trực Định dời đến Tuân Đạo lập nghiệp.

 

 (Nguồn tư liệu: Mai Văn Đức – ĐT: 0373 627 966 - Mai Đình Tụng – ĐT: 01297 448 880)